Kế hoạch cho ngày tàn của Phật
giáo
Thứ Sáu 23, Tháng
Tư 2010, bởi DT
Sau đây là bài điểm
sách "Peoples of the Buddhist World" của Paul Hattaway do Allen Carr
viết. Bản dịch của Nguyên Tánh đăng trên website Giao Điểm.
Luân Đôn, Anh Quốc -
Một vài hãng dược phẩm ở phương Tây đã tốn nhiều triệu Mỹ kim để bào chế và
mang ra thị trường một loại thuốc mới, nhưng rồi bị các cơ quan y tế khám phá
loại thuốc này có nhiều phản ứng nguy hiểm và bị cấm bán.
Cần thu hồi lại số
tiền đã đầu tư và vì không bán được thuốc ở phương Tây nữa nên một vài hãng
thuốc đã đem các thuốc nguy hại này bán ở các nước thuộc Thế giới Thứ Ba, nơi
mà quần chúng ít hiểu biết về các vấn đề liên quan đến sức khoẻ và các chính
quyền có thể mua chuộc được. Có thể nói rằng (trường hợp của) Thiên Chúa Giáo
cũng giống như vậy.
Vì đã mất nhiều tín
đồ ở phương Tây, nhiều giáo phái Thiên Chúa Giáo bắt đầu tìm cơ hội ở các nơi
khác. Dĩ nhiên thế giới Hồi giáo là bất khả xâm phạm. Ngay chính nhà truyền đạo
lạc quan nhất cũng cho rằng cơ hội truyền bá Phúc Âm đến tín đồ Hồi giáo là con
số không. Những đối tượng hiển nhiên là Phi châu, Ần Độ và các nước Phật Giáo ở
châu Á.
Hiện nay có nhiều tổ
chức truyền giáo Phúc âm chuyên cải đạo các Phật tử. Viện Á Châu Thái Bình
Dương Phật Học (Asia Pacific Institute of Buddhist Studies) ở Phi luật Tân đang
giảng dạy cho các nhà truyền giáo các lớp học thâm sâu về giáo lý Phật Giáo,
ngôn ngữ ở các nước Phật Giáo và tổ chức xã hội ở các cộng đồng Phật Giáo - để
hiểu biết rõ kẻ thù.
Hội Liên Hữu Trung Á
(Central Asia Fellowship) đặc biệt nhắm tới người Tây tạng. Hội Liên Hữu Truyền
Giáo Hải Ngoại (Overseas Missionary Fellowship) gồm những chuyên gia về Phật
Giáo và sẵn sàng mở các lớp huấn luyện, trình bày cho các tín đồ Thiên Chúa
Giáo cách làm việc có hiệu quả trong thế giới Phật Giáo. Trung Tâm Phật Học
Bình Minh (Sunrise Centre for Buddhist Studies) và Mạng Lưới Nam Á (South Asia
Network) là những cộng đồng trên mạng cung cấp cho các nhà truyền giáo các tin
tức đầy đủ chi tiết, chính xác và mới nhất để cải đạo các người theo đạo Phật.
Đừng hiểu lầm rằng đây chỉ là những nhóm nhỏ, lẻ tẻ. Các tổ chức này rất lớn,
có nhiều tiền, được quản trị tốt, và có nhiều nhân viên tận tụy và hăng say với
công việc.
Mới đây, một cuốn
sách có tựa đề “Các Dân Tộc trong Thế Giới Phật Giáo” (Peoples of the Buddhist
World, Piquant Editions, Carlisle, 2004) được xuất bản bởi Paul Hattaway vốn là
một trong những người lãnh đạo cuộc tấn công Phật Giáo mới này. Cuốn sách dày
453 trang, cung cấp đầy đủ cho các nhà truyền giáo hồ sơ về 316 nhóm sắc tộc và
thổ ngữ theo Phật Giáo ở châu Á, từ nhóm người Nyenpa ở miền Trung Bhutan đến
người Kui ở miền Bắc Campuchia, từ nhóm Buriats ở miền cực Đông nước Nga đến
người Sinhalese ở Tích Lan.
Cuốn sách cho biết
chi tiết từng nhóm, số lượng người trong nhóm, có bao nhiêu người theo Phật
Giáo, có bao nhiêu người thực sự hiểu biết và thực hành đạo Phật, nói tiếng gì,
sức mạnh của họ và cách vượt qua, các điểm yếu của họ và cách lợi dụng, tổng
quan về lịch sử, văn hoá và những cách cải đạo tốt nhất.
Cuốn sách có đầy các
hình màu đẹp về các dân tộc này, mà đa số ít người biết đến. Điều làm chúng ta
rất buồn khi nghĩ đến các người hiền lành, vui cười và vô tội này đang ở trong
tầm ngắm của các người truyền đạo xảo quyệt đang nhất quyết phá hoại niềm tin
và văn hoá cổ truyền của họ. Tuy nhiên, cuốn sách của Hattaway cũng hấp dẫn vì
cho chúng ta một cái nhìn thoáng qua cái tâm tính kỳ quặc và gíáo lý không kém
kỳ quái của các người truyền đạo Chúa. Trong lời tựa, Hattaway hỏi “Có
làm Chúa thất vọng không khi ngày nay có hàng trăm triệu Phật tử đang đi vào
địa ngục mà không được Phúc âm chứng nhận? Có làm Đấng Cứu Thế thất vọng không
khi hàng triệu người đang thờ cúng các thần tượng chết cứng thay vì Đức Chúa
Cha vẻ vang trên trời?”
Không có gì lạ khi
thấy các người truyền đạo luôn luôn giận dữ và tự vệ, rất tự kỷ và đầy lo lắng.
Hàng ngày họ phải sống với niềm tin đầy mâu thuẫn, Chúa của họ đầy tình thương
nhưng cũng ném người vào lửa địa ngục bất tận, ngay cả những người chưa bao giờ
nghe đến Chúa. Đây là một sự căng thẳng có thật. Giống như một người cứ bơm mãi
không khí vào một trái banh bị xì hơi để làm nó tiếp tục căng, họ phải tiếp tục
cho rằng đạo Phật chỉ là một sự sùng bái thần tượng trống rỗng và không có gíá
trị trong khi họ biết rõ điều này không đúng với sự thật. Đây cũng là một căng
thẳng có thật. Trong suốt cuốn sách, Hattaway đã lập lại những điều dối trá cũ
mèm, những xuyên tạc và những sự thật nửa chừng mà các người truyền đạo đã dùng
trong thế kỷ 19 và các người theo đạo Chúa chân chính đã gạt bỏ hơn trăm năm
nay.
Hattaway cho rằng các
Phật tử, cũng như các ngoại đạo khác, đang sống một cuộc đời trống rỗng và
không có ý nghĩa, và họ đang mong chờ để được nghe Phúc âm của Chúa Giêsu.
Chẳng ngạc nhiên gì khi các thống kê mà tác giả trình bày cho người đọc không
luôn luôn chứng minh được điều này. Ông ta cho biết có vài nhóm Phật tử đã bị
trải qua nhiều cố gắng cải đạo trong nhiều năm nhưng họ vẫn giữ đạo của họ. Thí
dụ, 32 phần trăm dân Kyerung ở Nepal đã được nghe Phúc âm nhưng chỉ vài người “thấu
hiểu” được thông điệp của nó. Hattaway nói rằng các người Mỹ theo Baptists đã
làm việc trong vùng Tovyan ở Miến Điện qua nhiều thập kỷ, nhưng đa số người
theo đạo là người (thiểu số) Karen. Họ nhận thấy người dân Tovyan hưởng ứng
chậm đối với Phúc âm và tình trạng này vẫn tiếp tục cho đến ngày hôm nay.
Các người truyền đạo
đã tận tụy làm việc và hy sinh nhiều ở Thái Lan trong vòng 140 năm qua nhưng số
người theo đạo Chúa rất ít. Theo Hattaway, có chừng 2000 người truyền đạo ngoại
quốc ở Chiangmai - nhiều hơn cả số người theo đạo Chúa ở thành phố này.
Thật yên tâm khi biết
Thái Lan được các người truyền đạo mệnh danh là “mồ chôn” của họ. 21 phần trăm
dân Lao Ga đã được truyền đạo nhưng đạo Chúa chưa đạt được kết quả gì. 42 phần
trăm dân Lemo đã được nghe về Giêsu nhưng niềm tin vững chãi theo Phật giáo và
nền văn hoá cô lập của họ đã ngăn chận việc chấp nhận Phúc âm. Dĩ nhiên nền văn
hoá cô lập của Hattaway đã không cho ông ta nhận biết rằng các người Lemo này
đã không theo đạo Chúa vì đạo Phật cho họ những món bổ dưỡng tinh thần và trí
tuệ mà họ đang cần. Do đó ông ta phải giải thích một cách khác vì sao nhiều
Phật tử vẫn còn trong thành phần mà ông gọi là “các người chống đối”. Theo ông
ta, đó là vì những Phật tử này lo sợ (trang 217), biếng nhác trí thức (trang
149), tham lam và mù quáng (trang 172) và dĩ nhiên chống đối của ma quỷ (trang
190). Một nguyên nhân khác là mê lầm như trường hợp người Palaung ở miền Bắc
Miến Điện đã hoàn toàn sai lầm khi tin rằng họ đã tìm được chân lý nơi đạo Phật
(trang 217).
Dĩ nhiên Hattaway
cũng đủ xảo quyệt để biết rằng sự bền vững và văn hoá tinh nguyên của các xã
hội Phật giáo cổ truyền là những chướng ngại lớn cho công cuộc truyền đạo.
Những nội chiến như ở Tích Lan và Campuchia là những món quà của Chúa dành cho
các người truyền đạo. Hattaway gọi sự phá hoại và di đời của dân Loba ở Nepal
do các cơn lũ to là một cơ hội mà Chúa ban (trang 168). Như đám ruồi nhặng bu
quanh một con vật sắp chết, các người truyền đạo bám lấy các cộng đồng đang bị
nguy khốn để kiếm cách cải đạo trong khi ngụy trang công việc của họ dưới hình
thức cứu giúp và viện trợ nhân đạo.
Điều đáng tiếc là có
nhiều tín đồ Thiên Chúa Giáo chân chính ở phương Tây đã không hề biết những
công tác bí mật này, đã cho tiền World Vision và các hội tương tự dù các hội
này dùng (công tác) cứu giúp như một kỹ thuật cải đạo. Trong khi nhiều Phật tử
đã gạt bỏ lời các người truyền đạo, có những người khác lại nghe theo. 31 phần
trăm dân Tamangs ở Nepal giờ đây đã theo đạo Chúa. Những người truyền đạo Phúc
âm đầu tiên đến Mông Cổ vào năm 1990 và trong vài năm họ đã có hàng ngàn người
cải đạo, phần chính là giới trẻ. Sự tăng trưởng kỳ lạ này hiện nay đã chậm lại
nhưng số cơ quan truyền đạo đang hoạt động trong nước đã gia tăng rất nhiều và
cho đến nay hầu như vẫn chưa có sách Phật Giáo bằng tiếng Mông Cổ.
Ở Trung Quốc hiện
nay, Thiên Chúa Giáo gia tăng mau chóng đến độ không kịp xây các nhà thờ để
chứa các người mới cải đạo. Các dân tộc hiền hoà ở miền núi Thái Lan và Lào
đang trở thành con mồi, từng nhóm từng nhóm, cho các người truyền đạo. Các
thành công này cũng như nhiều thành công khác đã không phải vì các người truyền
đạo không có lương tâm và ngoan cố nhưng vì các Phật tử đã không quan tâm, chậm
thấy nguy cơ và lại còn chậm hơn nữa để đối kháng lại một cách có hiệu quả.
Ở Thái Lan, hàng
triệu đồng được chi tiêu cho những buổi lễ hoành tráng, những tượng Phật to lớn
và vàng lá để che đắp các tháp nhưng hầu như không có ngân khoản gì cho văn hoá
Phật Giáo, giảng dạy giáo lý và dịch vụ xã hội cho các sắc tộc miền núi. Một cơ
hội mà Chúa ban cho các nhà truyền đạo là thái độ yếu đuối trong đa phần Tăng
đoàn. Một trong những phần cuốn sách có nhiều hé lộ (về trí lực của các người
truyền giáo và các tu sĩ Phật Giáo) và đáng lo nhất là đoạn Bryan Lurry kể
chuyện ông ta đã từng ở bốn tháng tại một Thiền viện của người Shan ở miền Đông
Bắc Miến Điện. Ông ta đã ở đấy để thăm dò cách cải đạo các tăng sĩ và đã rời
Thiền viện với hy vọng tràn trề. Tôi lo sợ là sự lạc quan của ông ta không phải
là hoàn toàn sai. Vị Trú trì nơi Lurry ở đã cho phép ông ta dạy tiếng Anh cho
các tăng sĩ (dĩ nhiên là dùng Kinh Thánh làm tài liệu học tập), chiếu một cuốn
phim về đời Giêsu và sau đó có những lớp giảng thường xuyên về Thánh Kinh cho
các tăng sĩ. Các tăng sĩ ở Tây phương có thể cho đó là một thí dụ của lòng
khoan dung của Phật giáo, tuy không đúng chỗ. Tôi nghi là do sự thiếu hiểu biết
và thờ ơ đối với mọi sự việc không gây xáo trộn hay trái ngược với các cách
hành xử cổ truyền thường thấy trong đa phần Tăng đoàn.
Một phần trong chiến
thuật dùng để tìm hiểu suy tư của các tăng sĩ, Lurry đã hỏi “những người bạn”
một số câu hỏi. Với câu hỏi “Giáo điều Phật giáo nào khó tuân theo nhất?”, vài
tăng sĩ đã trả lời là không được ăn sau 12 giờ trưa, không được uống rượu và
một tăng sĩ đã trả lời là khó đạt được Niết bàn. Với câu hỏi “Nếu có
thể thay đổi một điều ngay chính bản thân, thì đó là điều gì?” Các câu
trả lời gồm có mạnh hơn, cao hơn, thay hình dáng lỗ mũi và có da trắng hơn. Khi
hỏi tại sao đi tu, không một tăng sĩ nào nói là vì thích Phật Pháp, ngồi thiền
hay đời sống tu sĩ nói chung. Thường xảy ra trong thế giới Phật giáo, có thể họ
đi tu vì đó là truyền thống buộc họ làm vậy. Khi Lurry hỏi các tăng sĩ có bao
giờ muốn bỏ tu không thì họ cho biết muốn rời Thiền viện để làm lính trong quân
đội giành độc lập cho người Shan … Họ không thấy một mâu thuẫn nào khi biết
rằng đã là một tăng sĩ thì không được giết một con muỗi, huồng gì là một người
khác. Lurry thú nhận là đã rất ngạc nhiên vì rất ít câu trả lời mà ông ta đã
nhận được cho thấy sự hiểu biết thâm sâu về Phật Giáo hay một lòng mộ đạo chân
thành.
Sau tám năm sống ở
các tự viện tại Thái Lan, tôi buồn mà nói rằng các câu trả lời của các tăng sĩ
kia đã không làm tôi ngạc nhiên chút nào. Hiện nay, thường thường trong đời
sống của một vị tăng sĩ Phật Giáo chỉ cần học đóng trò, chấp nhận không suy
nghĩ các niềm tin truyền thống, những nghi lễ dài bất tận và làm tê liệt đầu
óc, dự các buổi phát chẩn và ngủ những giấc dài. Rất may là có nhiều cộng đồng
Phật giáo đã chống lại công tác của các nguời truyền đạo nhưng với trình độ
giáo dục tôn giáo thấp và thiếu hướng dẫn từ một Tăng đoàn thụ động, thử hỏi họ
sẽ còn có thể chống được bao lâu nữa? Phải làm một cái gì và phải làm gấp.
Một lời vu khống khác
cũ mèm của các người truyền đạo và được lặp đi lặp lại trong suốt cuốn sách của
Hattaway là các Phật tử sống triền miên trong sự sợ hãi ma quỷ (mê tín dị
đoan). Lời buộc tội này hơi khôi hài vì các người truyền bá Thiên Chúa Giáo
thường đổ tội hết cho Satan và bè lũ những gì mà họ không thích. Lurry nói về kinh
nghiệm của chính mình, “Tôi phải thú nhận là các chùa làm tôi sợ hãi.
Tôi thấy có nhiều vật làm tôi không muốn vào. Ở một vài chùa có những tượng
trông dữ tợn của những con thú có nanh dài và móng nhọn gác cổng chùa. Gác đại
điện của nhiều chùa là hai tượng rồng lớn với nhiều đầu ở hai bên cầu thang …
Nếu các hình tượng này còn ở ngoài chùa, tôi sẽ còn thấy gì ở trong chùa nữa?
Tôi cứ tưởng là các con vật này sẽ sống lại và cố hại tôi” (trang
234).
Tôi có thể hiểu được
các người giản dị và thường mù chữ ở các bộ lạc miền núi hoang dã ở Miến Điện
có thể sợ các con ma ác độc. Nhưng ông Lurry đã tốt nghiệp trường Đại học Bắc
Texas (University of North Texas) mà lại sợ một ít xi-măng và thạch cao được
sơn phết để trang trí các chùa Phật Giáo. Thật là quá dễ hù dọa các người
truyền đạo Chúa!
Chín trang trong cuốn
sách “Các Dân Tộc trong Thế Giới Phật Giáo” (Peoples of the Buddhist World) đã
dành cho dân Sinhalese là những thổ dân của Tích Lan và, từ lâu, vốn đã là một
mục tiêu của các người truyền đạo. Tuy có gần 500 năm gần gũi với đạo Chúa,
nhưng chỉ có 4 phần trăm theo đạo Chúa mặc dù có nhiều giai đoạn mà tôn giáo
của họ đã gặp nhiều bất lợi và bị ngược đãi. Điều này làm các người truyền đạo
bối rối và tức giận vì họ chỉ đạt được thành công nhỏ bé trên hòn đảo trung
thành với đạo Phật này.
Từ cuối thập niên
1950, Gíáo hội Thiên Chúa Giáo La Mã ở Tích Lan đã ngầm chấp nhận địa vị thiểu
số của mình và đa phần đã có thái độ sống chung với Phật Giáo. Giáo hội vẫn
tiếp tục các nỗ lực cải đạo nhưng ít sôi nổi và lễ phép hơn. Nhưng kể từ thập
niên 1990, nhiều tổ chức truyền đạo Tin lành đã tràn ngập Tích Lan và họ có
thái độ “không xin, không cho”. Cho đến nay, các người đã vào Tin lành đa phần
lại là tín đồ Giáo hội La Mã, điều nầy làm cho Giáo hội kinh ngạc, nhưng mục
tiêu chính vẫn là các Phật tử. Các tăng sĩ Phật giáo đang kêu gọi chính quyền
ban hành luật cấm cải đạo. Nhưng đây có phải là giải pháp tốt nhất không?
Ta có thể hiểu được
việc dân Sinhalese không thích tôn giáo của họ bị gọi là đạo thờ cúng quỷ Satan,
nhất là từ miệng của các người ngoại quốc, kể cả các nhà truyển đạo trong nước.
Cách đây vài năm, một cao tăng người Sinhalese rất được kính trọng qua đời và
quần chúng Phật tử đã thật sự tiếc thương vị sư này. Chính trong thời gian tang
lễ của vị sư này, người lãnh đạo một nhà thờ ở ngoại ô Colombo đã đốt pháo, một
cách thường dùng để ăn mừng ở Tích Lan. Lẽ dĩ nhiên, các Phật tử ở quanh nhà
thờ này đã rất bực mình, tuy bạo động không xảy ra nhưng có nhiều lời giận dữ
đã được trao đổi. Tôi vô tình chứng kiến cảnh các người dân địa phương đối diện
với người lãnh đạo nhà thờ này. Ông ta khẳng định là việc đốt pháo không liên
quan đến tang lễ của vị sư nhưng ông đã không có một lý do thuyết phục vì sao
ông lại đốt pháo. Trong suốt cuộc gặp gỡ với các láng giềng, ông đã tỏ ra trâng
tráo, không xin lỗi vì các hành động của mình, và xem thường các nổi đau của
quần chúng. Tôi chỉ biết nói rằng ông ta cho tôi cảm tưởng rõ rệt là ông ta
muốn bị cư xử thô bạo hay bị đánh đập để ông ta có quyền có một danh vị mà tất
cả các người truyền đạo đều mong muốn – đó là “thánh tử đạo” đã hy sinh cho
Chúa Trời.
Cuốn sách của
Hattaway nêu rõ các vụ xô xát bạo động chống lại người theo đạo Chúa ở Tích Lan
và các nơi khác và các viêc này đã xảy ra thuờng xuyên hơn. Tuy nhiên, tác gíả
đã không nói rõ là chỉ có những người truyền đạo Tin lành, chứ không phải Thiên
Chúa Giáo La Mã hay các tín đồ đạo Chúa chân chính, đã gây nên các phản ứng
tiêu cực như vậy. Và lẽ dĩ nhiên ông ta cũng không nói lý do vì sao đôi lúc
quần chúng nổi giận với các người truyền giáo Phúc âm. Thật sự, nguyên nhân các
vụ bạo động là vì tính huênh hoang bất lịch sự của các người này và họ hoàn
toàn không có ý thức gì về các niềm tin tôn giáo của người khác. Đây không phải
biện hộ cho bạo động mà chỉ cố gắng giải thích vì sao bạo động xảy ra mà thôi.
Thật sự cũng có vài
người truyền giáo quá khích đã cố ý gây ra những vụ chạm trán. Tôi có đọc hai
bài luận văn về cách truyền giáo từ Tích Lan - một bài nhấn mạnh rằng các thôn
làng phải trở thành “bãi chiến trường cho linh hồn” và bài kia
nói rằng các tín đồ đạo Chúa “phải đối diện với những người không được
cứu rỗi, nếu cần dùng cả vũ lực để bắt họ phải quyết định”. Không những chỉ
có người Phật tử mới bị xúc phạm bởi các hành vi quá trớn của các người truyền
giáo. Một người tín đồ Tin Lành thuộc phái Tái sinh đạo Chúa, gốc Trung
Hoa-Thái, đã có lần cho tôi biết là Giáo hoàng là “người bán dâm cho kẻ
Chống Chúa (prostitute of the Anti-Christ)” và chỉ cho tôi một đoạn
trong Thánh Kinh để chứng minh điều này. Tôi chỉ cười cái lối giải thích còn
non nớt của ông ta. Nhưng một tín đồ đạo Công giáo La-Mã thuần thành sẽ nghĩ gì
khi được nghe chuyện như vậy?
Đoạn về Tích Lan
trong sách của Hattaway do Tilak Rupasinghe và Vijaya Karunaratna viết, họ vốn
là hai nhà truyền giáo nỗi tiếng. Họ rất vui nêu rõ lên các tai họa của Tích
Lan - nội chiến, tỷ lệ tự tử cao, tham nhũng, nổi loạn – và dĩ nhiên cho rằng
đây là thêm những bằng chứng Phật Giáo đã sai lầm. Rồi họ bạo dạn cho rằng “Ở
Chúa mới chữa lành những vết thương do bất công, đàn áp và căm thù sắc tộc …Ở
Chúa mới có hy vọng cứu nước, lãnh thổ, ngôn ngữ, văn hoá và dân tộc”. Đây
là một hứa hẹn hấp dẫn mà vài người có thể muốn nghe. Nhưng dĩ nhiên đây là lời
hứa cũ mèm rỗng tuếch mà các người truyền giáo luôn luôn hứa ở những nơi mà họ
đang cố gắng cải đạo: “Đất nước của các người lộn xộn quá! Các thần
linh của các người đã thất bại. Hãy chấp nhận Giêsu và mọi việc sẽ tốt đẹp”.
Nhưng có thật đạo
Chúa có thể giải quyết các vấn đề xã hội tốt hơn không? Bằng chứng cho việc này
rất mong manh. Đạo Chúa đã thất bại hoàn toàn trong việc đem lại hoà bình cho
Bắc Ái Nhĩ Lan. Trên thực tế, đạo Chúa là nguyên nhân chính của vấn đề. Truyền
thống đạo Công giáo La-mã và Tin lành lâu đời ở nước Đức đã không ngăn được chủ
nghĩa Quốc xã bám trụ ở đó. Giáo hội Cải cách Hòa Lan (Dutch Reformed Church) ở
Nam Phi đã ủng hộ mạnh mẽ chính sách kỳ thị chủng tộc với tất cả các vụ áp bức
và tàn ác. Đạo Chúa Phúc Âm (Evangelical Christianity) rất thịnh hành ở miền
Nam nước Mỹ - vùng này được gọi là “Vành đai Thánh Kinh” – và việc này đã không
ngăn được nó trở thành vùng nghèo nhất và kỳ thị da màu nhất nước Mỹ. Và sự
phân biệt chủng tộc ở miền Nam nước Mỹ biểu lộ rõ ràng nhất vào mỗi buổi sáng
Chủ Nhật, khi các người da trắng và da đen vẫn còn đi nhà thờ riêng biệt; “Ngợi
khen Chúa nhưng thờ phụng Ngài ở trong nhà thờ riêng của các người!”
Cuốn sách của
Hattaway ít nhất cũng là một cuộc đánh thức cho tất cả Phật tử chúng ta. Nếu
chúng ta không cải tổ Tăng đoàn, không tổ chức tốt hơn và không cố gắng hơn để
hiểu biết và áp dụng tôn giáo của chúng ta, thì Ánh Sáng của Á Châu sẽ bị dập
tắt.
Chuyển ngữ: Nguyên
Tánh
9-7-2008
Xem online : Planning the Demise of Buddhism
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét